An lanh

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

No money - no talk


Sáng 19/10/2012, tại tòa nhà 51 Lê Đại Hành đã diễn ra buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Vision – Tầm nhìn” với diễn giả khách mời là anh Nguyễn Ngọc Điệp – Founder & CEO Vatgia.
“Vision” là chủ đề đầu tiên trong chuỗi 6 chủ đề của Khóa học trực tuyến miễn phí “Khởi nghiệp cùng các CEO công nghệ hàng đầu Việt Nam” do Topica Founder Institute cùng InfoDev ( Worldbank) và Savvi tổ chức dành cho các những cá nhân đang mong muốn và có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Rất nhiều câu hỏi hay đã được gửi đến Ban tổ chức trước, trong và sau buổi giao lưu. Sau đây xin đăng tải những câu hỏi chọn lọc đã được anh Nguyễn Ngọc Điệp trả lời trong khuôn khổ cho phép của khóa học.
1. Theo anh Điệp, Vision ở đây phải hiểu là Sứ mệnh trọn đời (Mission) của một tổ chức hay là Mục tiêu dài hạn (Long-term Goal)? – Nhiều người hỏi.
Anh Nguyễn Ngọc Điệp:
“Vision giống như ngôi sao trên bầu trời, có thể mãi mãi không bao giờ đạt đến được nhưng cả tổ chức hướng theo ngôi sao dẫn đường đó. Mission là những ngọn núi trước mắt. Trên đường đi sẽ gặp nhiều ngọn núi cao thấp mà doanh nghiệp cần vượt qua.
Core value giống như cách mà mỗi người xử lý khi gặp trời mưa, trời bão – hàng ngày mình đối xử, ứng xử như thế nào . Khi những con người rất khác nhau cùng làm việc – cần có điểm chung và những nguyên tắc kết nối họ lại – thì đó là core value . Tất cả giá trị có thể thay đổi được trừ giá trị cốt lõi, nếu không thì sẽ không còn bản sắc của doanh nghiệp nữa.
Chiến lược là kế hoạch: tháng này vượt qua ngọn núi này, tháng sau vượt qua ngọn núi sau, đi bao lâu, như thế nào. Chiến thuật là cách đối phó như thế nào đối với từng tình huống cụ thể.
Đối với Vật Giá: Vision của Vật Giá là tạo ra cuộc sống tuyệt vời hơn qua internet. Nếu chỉ tốt làng nhàng là không đủ, con người phải cảm thấy thích thú và hạnh phúc. Đó là tuyệt vời. Cuộc sống, tuyệt vời và internet. Với Vật Giá, cái gì phải đạt đến độ xuất sắc thì mới làm. Trong đó, thương mại điện tử, sàn giao dịch, logistic, nội dung số… là các mission – những ngọn núi mà Vật Giá phải vượt qua”.
2. Vision là 1 cái gì đó chưa xảy ra, vậy làm thế nào để 1 start-up có thể biết được vision của mình đưa ra là hợp lý, phù hợp với tình hình hiện tại cũng như trong tương lai? Và làm sao để phân biệt vision với một ước mơ viển vông của tuổi trẻ? – Nguyễn Minh Bảo – Hotel Nikko Saigon.
Anh Nguyễn Ngọc Điệp:
“Thị trường cần gì thì mình cung cấp cái đó. Trong thời gian đầu tiên, điều quan trọng nhất là có tiền đủ dư ít nhất 1 năm. Sống được thì hẵng tính đến vision.
Vision là dường như không bao giờ đạt được. Cũng có khi đạt đến được nhưng trong hầu hết trường hợp, đó là động lực để doanh nghiệp tiến bước. Để biết vision có hợp lý hay không, không thể qua 1 hay 2 ngày để biết được. Phải kiểm chứng bằng lịch sử đã diễn ra ở các nước khác đã phát triển trước chúng ta để hình dung hướng đi của mình sẽ diễn ra như thế nào. Tiếp đó là kiểm chứng tính thực tế của nó ở thị trường Việt Nam.
Liên tục phải thử, đổi, sửa mới có thể tìm ra vision thích hợp. Phải làm thật, đừng nói suông, nếu không sẽ không ăn thua. Vision với ước mơ viển vông của tuổi trẻ nó khác nhau không nằm ở câu chữ mà ở người thực hiện. Người đó có đủ trình độ và ý chí không. Ví dụ như Microsoft, chỉ có thể là Bill Gates mới khiến nó không chỉ là một ước mơ viển vông”.
3. Khi startup thì có cần tìm người cùng tầm nhìn ko? Hay qua quá trình làm việc sẽ truyền tầm nhìn của mình với đồng đội và nhân viên ? Làm sao để truyền được tầm nhìn của founder vào người đồng hành. – Anh Đặng Thanh Tùng – CEO cty truyền thông & Marketing NEPO
Anh Nguyễn Ngọc Điệp:
“Có được người cùng tầm nhìn thì thật tuyệt, nhưng không có thì cũng không sao cả. Tìm người có thể chia sẻ chí hướng tất nhiên không đơn giản.
Khi mới startup, mình chia sẻ hoài bão với chừng 20, 30 người, họ đều cười hoặc lo lắng cho mình, không tin ở mình. Khi mình đang không có cái gì, người đến với mình trước là quan trọng. Mình phải lo cho họ cơm ăn áo mặc và chỉ ra con đường sáng.
Nhiều người không cần biết tầm nhìn là gì, đơn giản là có tiền sinh sống, cho gia đình, nuôi con cái. Tuy nhiên 1 người leader trong doanh nghiệp cần có một số “dũng tướng” – cùng có chí lớn nâng đỡ cùng mình. Để thu hút họ, mình phải thuyết phục được họ. Khi mình chưa có thành tích thực tế gì, mình khó có thể tạo niềm tin và cũng không đủ tiền trả cho những nhân lực đắt giá. Khi cùng với 1 team bình thường tạo ra kỳ tích, anh sẽ thu hút được dũng tướng về với mình.
Trong quá trình làm việc, cần phải luôn đem đến sự mới lạ thú vị hàng ngày bằng những cách làm việc mới, sáng tạo, hiệu quả cũng như quan tâm đến nhân viên để nó ngấm dần vào ekip, tạo niềm tin và kích thích hứng thú làm việc. Thậm chí, nếu không thể “chăm sóc” tất cả mọi người, thì phải tạo ra và chăm sóc một số tấm gương trong công ty để mọi người nhìn theo và tin rằng, nếu họ làm việc hết sức thì sẽ được trân trọng xứng đáng”.
4. Nhà đầu tư có thực sự quan tâm đến vision của một start up? – Nhiều người hỏi.
Anh Nguyễn Ngọc Điệp:
“Đương nhiên họ sẽ quan tâm. Giả dụ nếu bạn đầu tư vào cờ bạc ở Việt Nam hay phát triển khoa học vũ trụ ở VN thì ai đầu tư cho bạn?
Nhưng đấy chỉ là yếu tố “cần”. Yếu tố “đủ” là năng lực của leader, khả năng tập hợp nhân lực, những nhân lực thậm chí giỏi hơn leader để tạo ra tập thể xuất sắc có khả năng hiện thực hóa vision”.
5. Cách thức hoạt động để xây dựng chiến lược?
Anh Nguyễn Ngọc Điệp:
“Cách thức hoạt động có thể nói là giá trị cốt lõi.
Thứ nhất: Không bao giờ được thỏa mãn với bản thân
Luôn luôn phải nghĩ làm sao để mỗi ngày/ mỗi lần có điều gì đó hơn với hôm trước/ lần trước: tốc độ, chất lượng, quy mô… Thậm chí từng câu chuyện cười người leader kể với nhân viên phải thú vị hơn đôi chút. Chính động lực không bao giờ thỏa mãn là bí quyết của mọi công ty vĩ đại. Cải tiến liên tục -nhất là những doanh nghiệp công nghệ.
Thứ hai: Tôn trọng và quan tâm đến từng cá nhân
Muốn đi với nhau và thực hiện vision tốt mà hàng ngày chỉ biết quan tâm đến mình thì tự nhiên sẽ làm không khí làm việc tẻ nhạt và ô hợp. “Quan tâm” bao gồm: hỏi han nhau, chia sẻ với nhau, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hay chỉ là chút quà, cái thiệp trong ngày sinh nhật… Những điều rất nhỏ tạo ra cảm giác của người nhân viên rằng đang được sống và làm việc trong một tập thể. Con người có cảm xúc chứ không như máy, luôn cần được quan tâm, được khăng định sự đóng góp, được “nịnh”. Người không đoàn kết làm việc thì máy móc cũng vứt hết.
Thứ ba: Khách hàng là ông chủ duy nhất.
Phải quan tâm đến khách hàng và tạo ra giá trị cho khách hàng. Bên cạnh đó, trong công ty, ông chủ duy nhất là khách hàng, mọi công việc đều hướng đếp đáp ứng khách hàng. Phải tạo ra sự dung hòa giữa leader và mọi người, không ai là chủ-tớ mà cùng làm việc vì ước mơ chung. Thể hiện sự công bằng trong công việc. Ai trách nhiệm hơn thì có nhiều quyền hơn.
6. Anh có đọc rất nhiều sách và có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư, nhiều chủ doanh nghiệp khác, anh đánh giá tầm nhìn của các doanh nhân Việt Nam và các doanh nhân các nước khác trong lĩnh vực dotcom nói riêng và khởi nghiệp nói chung như thế nào? – Phạm Tuấn Long_3Hsoft
Anh Nguyễn Ngọc Điệp:
Trong dotcom chỉ có 2 thái cực: 1 là Mỹ và 2 là các nước theo Mỹ. Mỹ là một đế chế công nghệ khó nước nào bì kịp.
Một là điều kiện thiên nhiên, tài nguyên, rộng lớn và có khí hậu tuyệt vời – Silicon, cái nôi của ngành công nghệ Mỹ là một nơi tuyệt vời về mọi mặt. Hai là Chính phủ Mỹ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp của họ, tạo ra nguồn lực thúc đẩy vô cùng mạnh mẽ cho nhân tài phát triển. 3. Là “Hợp chủng quốc”, Mỹ thu hút nhân tài nước ngoài rất cao tay. Google, Apple và Amazon đều có leader đều là người gốc ngoại. Mỹ rất trân trọng những nguồn lực này. Bốn là ngành công nghệ của Mỹ được hỗ trợ cực kỳ tốt về cơ sở hạ tầng: cầu cảng, kho vận, đường xá, ngân hàng, các kênh TV,… -> Internet đứng trên vai của những người khổng lồ và những đầu óc thiên tài nên nó phát triển rực rỡ. Còn Việt Nam? Chưa có bờ vai nào để nâng đỡ. Về giáo dục, hệ thống ngân hàng, giao thông … Đừng nên so sánh, sẽ là khập khiễng giữa Việt Nam và Mỹ”.
7. Vật Giá đã từng thay đổi Vision chưa? Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất lên sự thay đổi tầm nhìn của anh trong những năm qua?
Anh Nguyễn Ngọc Điệp:
“Thay đổi nhiều. Nếu Vật Giá chỉ kinh doanh như định hướng ban đầu, sẽ bị giới hạn rất nhiều, còn nhiều mảng giáo dục, giải trí… rất cần khai thác. Tầm nhìn phải thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển, khi nó bắt đầu bó hẹp và hạn chế phát triển thì lập tức cần phải thay đổi tầm nhìn.
Tôi thường học Google, Apple và Amazon. Những đại gia lớn nhất trong ngành của mình là những nguồn có nhiều điều để học hỏi nhất.
3 người có ảnh hưởng nhất đối với tôi: Sam Walton – Người sáng lập tập đoàn Walmart. Steve Jobs – kết hợp công nghệ và nghệ thuật. Và người thứ 3 không phải doanh nhân mà là ông Dale Carnegie – Người viết cuốn Đắc nhân tâm.
Ở Việt Nam, thì tôi bị ảnh hưởng bởi giám đốc cũ của tôi – Một nữ giám đốc rất giỏi. Về cách ngoại giao, tạo tinh thần nhân viên, cách sale… tôi đã học được rất nhiều nhờ ở bên cạnh một vị sếp như vậy. Cũng là một ví dụ cho các bạn: nếu có chí lớn, nên hi sinh dù lương ít để được ở bên cạnh, học hỏi từ những vị sếp tuyệt vời”.
8. Thường thì sẽ mất cần mất nhiều thời gian để hiện thực được tầm nhìn. Giai đoạn khó khăn của start up thì có thể kéo dài từ một cho đến vài năm. Anh Điệp có thẻ chia sẻ kinh nghiệm giữ niềm tin cho anh em để anh em ko bị chán nản trong giai đoạn này?. – Vũ Thanh Hải
Nguyễn Ngọc Điệp:
“Khi bạn chưa có gì, người ở lại bên bạn có 2 trường hợp: 1 là không có chỗ khác để đi, 2 là tin tưởng và chấp nhận con đường của bạn.
Với nhóm số 2, bạn nên share cổ phần với họ, đây là những “dũng tướng” của bạn. Với nhóm người 1: cung cấp cho họ điều kiện sống, hướng dẫn và truyền cảm hứng cho họ hàng ngày. Mỗi ý tưởng đưa đến cho người nhóm 1 sẽ dần nâng họ lên và khiến họ kết lại với mình. Đồng thời chia sẻ, quan tâm tới họ, và truyền tới họ những câu chuyện kỳ tích khởi nghiệp trên thế giới để động viên họ, để khiến họ tin tưởng vào bạn.
Mỗi cá nhân có những nhu cầu khác nhau, mà nếu đáp ứng được, bạn sẽ giữ được và khiến họ làm việc tốt nhất có thể. Vì vậy, một leader cần có nhiều gương mặt để thể hiện với từng nhóm, từng trường hợp khác nhau một cách tinh tế”.
9. Cách xây dựng văn hóa trong công ty?
Anh Nguyễn Ngọc Điệp:
“Theo định nghĩa của Tổng giám đốc IBM trong “Ai nói voi không thể khiêu vũ”: “Văn hóa của một doanh nghiệp không phải là một phần của cuộc chơi mà chính là cuộc chơi ấy”.
Văn hóa doanh nghiệp không phải là thứ cao siêu, mà là mình có trân trọng những người làm việc trong công ty không. Công ty như thế nào thể hiện ở bộ mặt, cá tính của leader cho đến sản phẩm của công ty đó”.
10. Tầm nhìn của anh về các xu hướng tmđt mới: social commerce, mobile commerce. những xu hướng này có khả thi tại VN ko và Vatgia định hướng có những sản phẩm này không? – Tom Pham
Anh Nguyễn Ngọc Điệp:
“Đương nhiên là khả thi vì thế giới đang hướng về social và mobile. Vấn đề chỉ là anh có theo được hay không vì muốn tồn tại, anh nhất định phải theo. Xu hướng bây giờ hoàn toàn là social hóa và mobile hóa. Câu hỏi này có lẽ hơi thừa, cái gì bắt buộc thì phải theo. Kẻ mạnh cũng chết mà kẻ thông minh nhất cũng chết. Kẻ biết thích nghi mới sống”.
11. Nếu set vision thuần về lợi nhuận (vd như kiếm thật nhiều tiền qua internet) thì sau này có gây ra bât lợi gì cho công việc doanh nghiệp như nhân sự, tài chính, marketing , sản phẩm hay cho việc đưa ra đường lối phát triển ko? – Ngô Ngọc Quân _ Đại học Bách Khoa?
Anh Nguyễn Ngọc Điệp:
“Có nhiều cách để kiếm tiền. Nhưng, như với Vật Giá, chúng tôi luôn tự nhắc phải mang đến niềm tự hào cho các thành viên về việc mình làm.
Phải định hướng: một là đi theo chính nghĩa. Thứ hai: Đúng thời cuộc. Thứ ba: nâng cao cuộc sống cho thành viên cũng như khách hàng, xã hội.
Theo tháp nhu cầu Maslow, đầu tiên phải sinh tồn được, thứ hai là an toàn, thứ ba được yêu thương. Cuối cùng là khẳng định bản thân mình. Ban đầu tiền không có thì tính gì? Như tôi đã nói, khi có đủ 1 năm tiền hẵng nghĩ vision. Ban đầu anh cũng thế, phải tìm mọi cách để công ty sinh tồn. Không chỉ mình và những người theo mình sinh tồn được. Nên nhớ: No money – No talk.
Đối với sinh viên muốn khởi nghiệp: Nếu bạn thực sự vượt trội, thì hẵng bỏ học để khởi nghiệp. Trình độ còn lùn, điều kiện không có (chúng ta đang không ở Mỹ) thì không nên học theo Mỹ. Tốt nhất là khi mình chưa đủ lực thì nên khiêm tốn đi học hỏi. Tìm một thần tượng thành công, đi theo người đó để phụ giúp và học hỏi. Hãy khôn và tỉnh táo, đừng viển vông”.
12. Vậy, anh Điệp còn điều gì muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp để chốt lại chủ đề Vision?
Anh Nguyễn Ngọc Điệp: “No money – No talk”. Chúc các bạn thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét