An lanh

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

TOPICA start tuần 3 chủ đề: “Product development – Phát triển sản phẩm”TOPICA start tuần 3 chủ đề: “Product development – Phát triển sản phẩm”


Sáng 2/11/2012, tại văn phòng MV Corp – Tòa nhà N09-B2 khu đô thị mới Dịch Vọng đã diễn ra buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Product development – Phát triển sản phẩm” với diễn giả khách mời là anh Phùng Tiến Công –Phó tổng giám đốc MV Corp.


“Product development” là chủ đề thứ ba trong chuỗi 6 chủ đề của Khóa học trực tuyến miễn phí “Khởi nghiệp cùng các CEO công nghệ hàng đầu Việt Nam” do Topica Founder Institute cùng InfoDev ( Worldbank) và Savvi tổ chức dành cho các những cá nhân đang mong muốn và có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Rất nhiều câu hỏi hay đã được gửi đến Ban tổ chức trước, trong và sau buổi giao lưu. Sau đây xin đăng tải những câu hỏi chọn lọc đã được anh Phùng Tiến Công trả lời trong khuôn khổ cho phép của khóa học.
1.Anh Công có thể chia sẻ về sản phẩm anh tự hào nhất trong sự nghiệp của anh? _ Bách _ Đại học Bách Khoa
Anh Phùng Tiến Công
“Sản phẩm tự hào nhất của tôi: về sản phẩm đồng đội là Noi.vn. Đối với Noi.vn điều quan trọng là kết quả mà sản phẩm đem lại. Đến thời điểm này, Nối đã có gần 1 triệu thành viên với gần 1000 đám cưới. Mình vẫn thường đùa đến 70 năm nữa vẫn hiệu quả thì sẽ có gần 100000 cháu bé ra đời.
Khi nhìn vào một sản phẩm nên xem nó giải quyết được vấn đề gì, giải quyết được điều gì cho xã hội, không quá thiên về công nghệ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến triết lý phát triển sản phẩm. Trước đây, anh thường tập trung vào mảng thiết kế, công nghệ của sản phẩm nhưng sau này anh tập trung vào triết lý, đích đến của sản phẩm.
Sản phẩm cá nhân mà anh tâm đắc nhất là VietKAR – khá lâu trước đây. Hồi đó anh mới học lập trình. Công nghệ không được như bây giờ, mọi thứ còn khá mới. Sản phẩm này có thể đọc các file nhạc Việt, được mọi người đón nhận khá tốt. Đây là sản phẩm anh dùng để thi Tri tuệ Việt Nam.”
2.Anh Công có thể chia sẻ quan điểm của anh về việc thu tiền của Nhạc Số. Liệu đó có được tính là sự đổi mới cho sản phẩm? Và xét rộng ra, khi nào thì cần đổi mới sản phẩm? _ Hoài Nam _ Trung cấp Y Dược
Anh Phùng Tiến Công
“Thu tiền nhạc số chưa trực tiếp tác động đến sản phẩm, nhưng có ảnh hưởng gián tiếp đến tất cả các website khiến cho rất nhiều web nhạc phải thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản lý thanh toán, tách phần thu phí với miễn phí. Do đó có ảnh hưởng đến sản phẩm và hành vi người tiêu dùng. MV Corp chỉ là đơn vị cung cấp nội dung chứ không cung cấp sản phẩm, trên thực tế vấn đề này ko ảnh hưởng đến công ty.
Thay đổi mô hình kinh doanh là khi cần thay đổi sản phẩm – tuy nhiên, khi thay đổi sản phẩm thì không nên đi xa so với mục đích ban đầu, cần thống nhất một triết lý từ khi hình thành đến phát triển. Các chức năng, giao diện cần đi theo mục đích đã định sẵn.
Hai là khi nhận được nhiều ý kiến, phản hồi, nhu cầu của khách hàng. Có thể là do nhu cầu của họ chưa được đáp ứng tốt, hoặc họ có nhu cầu nào khác đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh nhạc số cần xem xét, tăng cường tính năng, giao diện.
Ba là khi xu thế công nghệ thay đổi. VD: trước đây màn hình máy tính, giờ mọi người thích vào internet qua điện thoại.
Khi survey khách hàng, nhận đc 1 kết quả nghiên cứu, qua đó biết được nhu cầu thực sự của NTD, doanh nghiệp đã đáp ứng được chưa? VD như với noi.vn, điều tra cho thấy khách hàng thích các hội nhóm trên sản phẩm này, nên chúng tôi đã thay đổi giao diện, để hình ảnh liên quan đến các hội rộng và to hơn trên giao diện sản phẩm. ”

3.Theo anh, muốn phát triển sản phẩm có thể tạo ra xu thế, đi trước xu thế thì sản phẩm đó phải có đặc tính như thế nào? Làm sao để biết nó sẽ thành công? _Minh Phương _ Aptech
Anh Phùng Tiến Công
“Đặc tính của sản phẩm phải phù hợp với xu thế. Khi xu thế về social phát triển thì những sản phẩm như Facebook, Instagram… có các đặc tính giải quyết nhu cầu của số đông, chứ không chỉ tập trung vào tính năng của sản phẩm, đã trở nên thành công. Facebook chẳng hạn, không phải là một sản phẩm quá đặc biệt mới lạ, nhưng trong quá trình phát triển, nó đã tích hợp nhiều chức năng, giải quyết tốt nhu cầu của người sử dụng. Đừng quá sa đà vào công nghệ, có thể chức năng đó mới, hiện đại nhưng không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.
Rất khó có thể nói là cần và có yếu tố gì? Trước hết, hãy để sản phẩm giải quyết được một mục tiêu cụ thể, đơn giản, rõ ràng. VD groupon – sản phẩm cực đơn giản, facebook, iphone, ipad cũng rất đơn giản dễ áp dụng, dễ sử dụng, mang tính đại chúng cao.
“Ở VN, đã có những sản phẩm nào thành công, có ý nghĩa mang tính cách mạng đối với người dùng Việt Nam?” – Thường các sản phẩm phát triển theo phong trào, clone theo các mô hình thành công của các DN nước ngoài, và doanh nghiệp nào kiên trì đi theo các mô hình đó thì sẽ thành công. VD như các trang tin tức thì vnexpress là nơi tạo ra xu thế chuyển thói quen NTD từ báo giấy sang báo mạng. Luôn luôn có những người tiêu phong như vnexpress, hay baomoi, chuyển tin tức từ máy tính lên mobile. Hay như nhacso.net đối với các sản phẩm về nhạc. thương mại điện tử với các sản phẩm như chodientu, vatgia cung được coi là những thành công.”
4.Thời điểm nào thì phù hợp nhất để lauching sản phẩm? Yếu tố nào đánh giá sản phẩm của mình đã sẵn sàng? _Nguyễn Đăng Phú _ LRGlobal
Anh Phùng Tiến Công
“Trước khi sản phẩm ra đời tất cả các khâu chuẩn bị (marketing, quản lý,…) đều phải sẵn sàng, và phải chạy beta, ít lỗi. Quá trình test phải kỹ. Lúc làm sản phẩm và khi đưa ra thị trường có sự khác biệt rất lớn. Đã đủ đơn giản, dễ dùng không?
Có 2 cách launch sản phẩm.
Cách 1: Close beta là đưa trực tiếp ra thị trường như iphone. Cách này có thể thành công nhưng nhiều rủi ro. Ở VN thì thường có game…
Cách 2: Vừa làm vừa sửa, test và quảng bá ở một quy mô nhỏ trước khi đưa ra thị trường. Khi các bạn chưa chắc chắn về thời điểm launch nên làm theo cách thứ 2, đặc biệt với những bạn chưa có kinh nghiệm.”
Ở VN đã có những sản phẩm nào đi theo 2 xu hướng trên?
“Xu hướng 1: đối với những sản phẩm đã được đóng gói
Xu Hướng 2: hầu như được các doanh nghiệp VN sử dụng nhiều. Kể cả những doanh nghiệp lớn như FPT, VTC.
Nhacso.net đã làm theo cách 1. Sau 2 ngày chạy, trang đã bị treo vì số lượng truy cập lớn. Các sản phẩm sau này, anh Công đã áp dụng cách 2 để có sự chuẩn bị chu đáo và dịch vụ ổn định.”
5.Theo như em học trên trường lớp, để phát triển sản phẩm cần nghiên cứu rất nhiều thứ: nghiên cứu thị trường, nghiên cứu thị hiếu người dùng, nghiên cứu đối thủ, nghiên cứu xu thế mới….Và nếu một start up phải nghiên cứu nhiều thú như thế thì sẽ rất mất thời gian, không biết bao giờ mới ra được sản phẩm… Vậy theo anh một start up thì nên tập trung nghiên cứu những gì và có thể bỏ qua những gì trong quá trình phát triển sản phẩm của mình? _ Lê Văn Minh
Anh Phùng Tiến Công
“Có 2 điều có thể tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm:
1. Các sản phẩm tương tự đã có trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, bởi khi những sản phẩm đó ra mắt thì các DN đã có sự nghiên cứu khá kỹ về mô hình sản phẩm, chúng ta có thể tiết kiệm được thời gian nghiên cứu
2. Nghiên cứu hành vi người dùng. Có sự khác biệt khi nghiên cứu cách tiếp nhận của người tiêu dùng Việt và phương tây. Khi nghiên cứu không cần số lượng lớn, có thể nhờ người thân. Đừng giải thích gì khi nghiên cứu, hãy để họ tự sử dụng và cảm nhận. Theo dõi sự cảm nhận đó của họ, liệu sự cảm nhận đó có đúng như những gì người phát triển mong muốn. Bởi khi sản phẩm được đưa ra thị trường, chúng ta sẽ không có nhiều cơ hội để giải thích với thị trường.
Các sản phẩm công nghệ thay đổi rất nhanh và rất khó đoán. Đối với những công ty lớn có nguồn lực, cần và nên nghiên cứu xu thế. Chú ý các chính sách vĩ mô. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, tính quá xa không là không ổn. Điều quan trọng là giải quyết nhu cầu trước mắt, ra là phải dùng được. Bản thân noi.vn từng là một sản phẩm như thế, nhạc số.net cũng vậy. Nhacso.net đã thu phi từ 2005 khi đó các dịch vụ thanh toán, hệ sinh thái kinh doanh xung quanh chưa hoàn toàn phát triển, thiếu sự đồng bộ. Đến nay, việc thu phí mới có thể triển khai.
Cần có thêm sự nghiên cứu về sự dịch chuyển, thay đổi về nhu cầu của xã hội. Các doanh nghiệp công nghệ tập trung phát triển nhiều với các sản phẩm trên smart phone trong khi lượng người dùng sản phẩm này lại ít, dù sản phẩm có thể tốt thì chỉ có số ít được dùng, bỏ qua những sản phẩm chạy trên các nền tảng cơ bản và phổ biến khác, làm thu hẹp qui mô thị trường, khiến cho sản phẩm không đạt được mong muốn.”

6.Anh đánh giá như thế nào về các sản phẩm hiện nay chỉ tập trung vào các vấn đề như giao diện, feature, function mà ít tập trung vào triết lý của sản phẩm. Những gì sản phẩm được giới thiệu đa số chỉ hướng tới function chứ ko truyền đạt thông điệp chính của sản phẩm? _ Nguyễn Minh Bảo _Hotel Nikko Saigon
Anh Phùng Tiến Công
“Hoàn toàn đồng ý với ý kiến người hỏi. Một câu hỏi hay.
Hiện nay, triết lý sản phẩm quan trọng hơn nhiều việc nó có chức năng gì. Sản phẩm Inghe đã quá tập trung vào chức năng nghe, giao diện đẹp, … mà quên mất đi nhu cầu chính của NTD là tìm bài hát và tải nhạc về. Inghe cố tạo ra sự khác biệt hoặc tốt hơn trong khi việc tập trung vào những chi tiết nhỏ đó lại đánh mất đi sự tập trung vào những yêu cầu chính mà NTD đang cần hơn cả.
Các sản phẩm groupon đã làm rất tốt vấn đề này. Tất cả các sản phẩm đều có lợi ích rõ ràng, giảm giá bao nhiêu phần trăm, thu hút người dùng. Việc nhommua hay muachung khác nhau về giao diện thì NTD cũng không quan tâm đến nhiều lắm.”

7.Minh Tuấn _ ĐH Công Nghệ _Khi phát triển sản phẩm thu phí nhạc, làm thế nào để quyết định mô hình thu phí để download hay thu phí để nghe online? Dựa trên phán đoán hay khảo sát người dùng, hay tham khảo kinh nghiệm nước ngoài? Anh dự kiến thu phí online sẽ nhiều hơn hay mobile nhiều hơn?
Anh Phùng Tiến Công
“Khi việc thu phí nhạc mới khởi đầu, khó có thể thay đổi nhanh chóng và toàn diện ngay được. Phải nghiên cứu kỹ càng về hành vi NTD, cần nghiên cứu mô hình nước ngoài, thị trường trong nước, chạy thử nghiệm beta, từ đó có được những điều chỉnh thích hợp.
Phán đoán thì dễ nhưng thật khó để biết liệu nó có vừa với mong muốn của NTD không. Việc nghiên cứu thị trường cần được thực hiện cả trước và sau khi vấn đề về việc thu phí được thực hiện. Thực tế, thu trên mobile thì có hiệu quả cao hơn do dễ thu phí hơn, còn trên laptop hay PC thì khó hơn. Kinh nghiệm từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc cho thấy việc thu phí mobile sẽ nhanh và thuận lợi hơn.”
8.Trúc Sơn _ học viên Bưu chính viễn thông_Hiện tại có rất nhiều sản phầm của start up là clone lại các mô hình đã thành công trên thế giới. Vậy theo anh những ưu điểm, khó khăn và thách thức với clone là gì? Tại sao các start up làm clone vẫn có cơ hội để phát triển tại VN? Anh Công có lời khuyên gì cho những bạn có ý định phát triển clone?
Anh Phùng Tiến Công
“Ưu điểm clone các sản phẩm đó thường đã thành công, đã được chứng minh độ hiệu quả. Đó là ưu điểm lớn nhất. Thứ 2 là tiết kiệm được thời gian, chi phí cho việc nghiên cứu thị trường do các sản phẩm gốc đã được nghiên cứu kỹ càng, có thể học nhanh. Ví dụ: các sản phẩm của VC corp.
Nhược điểm:
1. Vì làm nhanh, nên nhà phát triển có thể ko hiểu được gốc gác ý nghĩa của sản phẩm, chưa hiểu đc phần hồn, mới hiểu đc phần xác, thường ko truyền tải trọn vẹn đc ý nghĩa như sản phẩm gốc.
2. Sự khác biệt về văn hóa giữa VN và nước ngoài, nền tảng công nghệ, thói quen sử dụng của người Việt có nhiều khác biệt. VD về trường hợp thất bại: loveme.vn (phát triển vào khoảng 2007) dù được đầu tư nhiều từ 1 quỹ đầu tư của Nga với số tiền lên đến gần triệu đô nhưng thất bại do clone 1 mô hình từ Nga đem về, nhưng không phù hợp với văn hóa VN. Nếu như ở nước ngoài, chỉ cần biết nhau chút ít qua mạng là có thể liên lạc, cho contact, thì ở VN điều đó dường như không phù hợp với thói quen đa số.”
9. Quốc Trung _ Em đang có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực mobile apps. Anh Công có lời khuyên nào cho em về cách làm sản phẩm, về cách chọn xu thế, về ý tưởng hoặc về nên làm trong lĩnh vưc hẹp nào có thể kiếm ra tiền?
Anh Phùng Tiến Công
“Mobile app nên thiết kế cho cả hệ điều hành java và các phiên bản cho các dòng điện thoại phổ thông. Thường những bạn đang sống ở thành phố thì coi trọng việc phát triển trên smartphone mà quên đi lượng người dùng chính vẫn sử dụng các sản phẩm điện thoại thông thường, khiến cho sản phẩm không tiếp cận được với đa số.
Làm mobile cần sự đơn giản, đơn giản hơn cả so với PC, bởi màn hình bé, nên chức năng nên rõ, sản phẩm dễ dùng, việc nhập liệu khó khăn nên không nên bê tư duy của web sang.
Bạn nên lên slideshare và tìm các thông tin tài liệu, tự học để tìm hiểu thêm. Nên lưu ý về vấn đề đáp ứng được cơ sở hạ tầng, 3G, nếu sản phẩm load chậm thì người dùng sẽ bỏ sản phẩm mà ra đi.
“Mảng nào kiếm đc tiền?” – 1 câu hỏi khó. Một vài case như baomoi kiếm đc tiền khá tốt, phục vụ đến cả những sản phẩm điện thoại thông thường, đây là case điển hình, còn lại đa phần là game. Thứ hai, mobile apps cho thị trường nước ngoài: làm sản phẩm, bán cho công ty nước ngoài. VD như Afoli: họ làm các ứng dụng nhỏ như: thuốc chữa bệnh, bói toán, đọc sách, truyện, cẩm nang nấu ăn, những nhu cầu nhỏ hàng ngày cần thiết cho NTD.”
10.Nguyễn Long- Đại học FPT _ Chào anh Công. Em có câu hỏi muốn nhờ anh giải đáp là: Với 1 ý tưởng website sàn giao dịch TMDT dành cho 1 nhóm đối tượng riêng,để phát triển tốt và hoạt động tốt.Theo anh thì nên phát triển từng bước như thế nào?Ban đầu đã nên đầu tư thật tốt vào website hay chưa?
Anh Phùng Tiến Công
“Chưa nên đầu tư quá mạnh vào website, thực ra nó chỉ là công cụ, nên đầu tư vào mô hình, ai trả tiền, trả như thế nào, đã ai làm chưa, rồi test sản phẩm đó. Đánh giá xong sản phẩm thấy đã ổn thì mới nên đầu tư sâu. Bản thân web không giải quyết được vấn đề, hoặc nếu có thì mô hình đó đã có rồi mà chỉ cần học theo.”

11.Hồng Hạnh _ Đại học kinh tế Quốc Dân_1 team thì có nhiều cái đầu và nhiều ý tưởng. Làm sao để thống nhất được ý tưởng của mọi người để tạo ra 1 sản phẩm thống nhất?
Anh Phùng Tiến Công
“Chỉ nên có 1 người phụ trách sản phẩm giải quyết định cuối cùng trong mọi vấn đề. Cần phải thống nhất trước khi bắt tay vào sản phẩm xem ai sẽ là người quyết định. Sản phẩm mang hồn của người làm ra sản phẩm, các thành viên khác trong team chỉ mang tính hỗ trợ. Người phu trách đó nên là giám đốc sản phẩm, thực thi theo yêu cầu tổng thể của công ty.”

12.Hoàng Việt _ Mobifone _ Một cá nhân/ team có ý tưởng về sản phẩm của riêng mình, nhưng không đủ nguồn lực nên phải kết hợp với team khác (hoặc với 1 VC ) để làm, thì làm sao cá nhân/ team đó có thể giữ được bản quyền sản phẩm cho mình, giữ được chất sản phẩm mà ko bị VC yêu cầu thay đổi sản phẩm
Anh Phùng Tiến Công
“VC thường quyết định đầu tư không phải là để mua sản phẩm của bạn, mà họ đầu tư vào con người, vào team phát triển đó, họ đầu tư vào thị trường đó, tức là sản phẩm cần phải có thị trường. Sản phẩm cũng là 1 phần quan trọng, nhưng không phải là lớn nhất và nhà đầu tư không quan tâm đến quá nhiều. Họ cần bức tranh lớn – bạn sẽ làm gì với sản phẩm đó, kiếm được bao nhiêu. Bởi sản phẩm có thể thay đổi hoặc thay thế, cũng đừng kỳ vọng có thể bán được sản phẩm cho VC, sẽ không có ai quan tâm đến việc mua nó.
VC không can thiệp nhiều vào quá trình phát triển sản phẩm, khi mà họ thực sự khuyên thì các bạn phát triển nên ngồi lại và nghe. Bởi các nhà đầu tư khi đã khuyên đã có sự nghiên cứu kỹ về thị trường, về các sản phẩm tương tự khác. Nhiều bạn sợ khi có người khác tham gia vào sản phẩm của mình, bạn sẽ bị mất quyền đối với chính sản phẩm của mình. Tuy nhiên VC chỉ muốn đóng góp chứ sẽ không tác động quá mức đến sản phẩm của bạn. Nên tự tin vào chính mình và chính sản phẩm.”

Anh Phùng Tiến Công chụp ảnh cùng nhóm thực hiện giao lưu trực tuyến
Lời khuyên: Hãy cứ làm và trải nghiệm. Nên tập trung vào nhu cầu trước mắt, đừng nên lo quá xa hay sợ điều gì. Thất bại là điều đương nhiên nhưng đó sẽ là những kinh nghiệm cực kỳ quý giá. No pain no gain!
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh Phùng Tiến Công và chúc anh sinh nhật vui vẻ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét